Tin tức mới
10-01-2020
Chàng trai quật ngã số phận
10-01-2020
Bánh mỳ Tuấn Mập: Hồn quê hòa trong phố
31-10-2019
14 tuổi, chàng trai rời quê tìm đến TPHCM lập nghiệp. Lúc bấy giờ, tài sản của anh chỉ là hai bàn tay trắng, một chữ cắn đôi không biết. Thế mà bây giờ, gần ba mươi năm sau, anh có trong tay hàng trăm tỷ đồng; giúp hàng trăm người từ công nhân trở thành ông chủ. Và hơn hết, mỗi năm, anh dành hàng tỷ đồng giúp đỡ người cơ nhỡ nghèo khó.
KHỞI NGHIỆP
Hôm tôi ghé thăm phải ngồi chờ Tuấn (tên thật là Phạm Trường Chậm, tên thường dùng Tuấn Mập, SN 1970, nguyên quán xã Điện Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) gần cả tiếng đồng hồ. Tiếp tôi trong căn nhà khang trang vừa tận dụng làm kho thực phẩm ở quận Tân Phú, TPHCM, Tuấn giải thích: “Anh thông cảm, người ta nói khi có tiền thì sướng nhưng em chẳng sướng chút nào. Lúc nào cũng lo cho gần cả ngàn nhân viên. Em về trễ vì bận ghé khánh thành nhà của thằng em. Mấy năm trước, nó là nhân viên của quán. Thấy hoàn cảnh vợ chồng nó em thương tạo công việc làm ăn, nó tậu được căn nhà hơn cả tỷ bạc mời em tân gia”.
Bằng giọng lơ lớ của dân xứ Quảng, Tuấn kể chuyện khởi nghiệp của mình như những thước phim về nghị lực quật ngã số phận. Sinh ra trong gia đình làm nghề nông ở nơi nắng gió miền Trung lại đông anh em, tuổi thơ của Tuấn là chuỗi ngày cơ cực trên đồng. Không được đến trường như bao bạn bè, Tuấn quen với cảnh cấy cày, dầm mưa dãi nắng trên đồng. Những hôm mưa lũ kéo đến, nước tràn đồng, gia đình chạy lũ trong cảnh thiếu đói. Nhìn nỗi vất của người cha, bao lo toan của mẹ, sự thiếu thốn của anh chị, Tuấn quyết định ngã rẽ của cuộc đời của mình là tìm đến TPHCM lập nghiệp. Nhớ lại quãng thời gian cơ cực trên, Tuấn tâm sự: “Khó khăn lắm anh à. Chữ không biết, vốn liếng cũng không, em phải làm đủ thứ nghề kiếm sống. Những ngày bán sức lao động để kiếm cơm, em quyết định phải học cái nghề để nuôi sống mình chứ không làm thuê mãi. Do đó, em tìm đến làng dệt Bảy Hiền (thuộc quận Tân Bình, TPHCM) học nghề sửa máy dệt”. Và từ đây tạo bước ngoặt mới trong cuộc đời của Tuấn. Những lần sửa máy, Tuấn quen biết và có tình cảm với cô thợ dệt Nguyễn Thị Triều (SN 1976, nguyên quán huyện Quế Sơn, Quảng Nam). Hai người đồng hương, đồng cảnh ngộ tìm đến TPHCM lập nghiệp đã đồng ý cùng nhau xây dựng tổ ấm.
Năm 1999, đám cưới nghèo được tổ chức đơn sơ trong phòng trọ thuộc quận Tân Phú, TPHCM. Tuấn nhớ lại: “Lúc đó, hai vợ chồng em chỉ có 18 triệu đồng làm vốn. Suy đi nghĩ lại, em quyết định mở quán ăn gia đình lấy tên Tuấn Mập. Để đủ tiền thuê mặt bằng và chi phí ban đầu, em vay mượn bạn bè”. Nhờ phương châm “khách hàng là thượng đế”, nhà hàng ẩm thực với thương hiệu Tuấn Mập luôn đông khách. Hiện nay, Tuấn sở hữu 5 nhà hàng ẩm thực; trong đó TPHCM có 2, 3 cơ sở ở Quảng Nam, Đà Nẵng và Quảng Ngãi tạo việc làm cho gần một ngàn lao động.
HẾT LÒNG VÌ NGƯỜI NGHÈO
Năm 2010, Tuấn mang đặc sản chả bò miền Trung giới thiệu với khách hàng. Nào ngờ, thực khách tấm tắc khen ngon. Thấy vậy, Tuấn chớp cơ hội đăng ký nhãn hiệu độc quyền bánh mì Tuấn Mập. Tuy tài sản có của dư của để nhưng Tuấn suy nghĩ hết sức nhân văn: “Chỉ cần vốn từ 300-400 triệu đồng sẽ có lò bánh mì Tuấn Mập đúng tiêu chuẩn. Vợ chồng em được như ngày hôm nay, ngoài nghị lực của bản thân còn có công của những nhân viên hết lòng đóng góp”. Nghĩ vậy, Tuấn chọn những nhân viên từng gắn bó với mình trong những ngày đầu gian khó để giao quản lý lò bánh mì với hình thức trả góp. Phương tiện, thực phẩm, Tuấn lo từ A đến Z. Người nhận chỉ việc đứng bán và trả góp đúng quy định. Khi nào trả hết số vốn Tuấn đầu tư ban đầu, người được chuyển nhượng quyền sở hữu luôn thương hiệu bánh mì Tuấn Mập trở thành ông chủ.
Với ý tưởng trên, hiện hơn 100 lò bánh mì của Tuấn khắp TPHCM và Vũng Tàu. Nói về thành công mô hình trên, Tuấn chia sẻ: “Ban đầu nhượng quyền chủ yếu cho những người không có vốn và trả góp theo tỷ lệ doanh số. Ví dụ, một ngày thu 500.000 đồng nếu doanh số bán được 5 triệu đồng. Em sẽ bao luôn rủi ro nếu kinh doanh không đạt bằng cách tổ chức lại phương tiện, cách kinh doanh, tìm nơi khác mà không tính phí. Đến nay, hơn 100 nhân công của em trở thành ông chủ lò bánh mì với thương hiệu Tuấn Mập”. Tuấn báo tin vui, khi mở rộng địa bàn bánh mì Tuấn Mập đến Vũng Tàu, doanh số của một lò có hôm lên đến 30 triệu đồng/ngày.
Giúp đỡ được những nhân công gắn bó với mình trong thời gian khởi nghiệp, Tuấn hết lòng tham gia các hoạt động xã hội và tự học để nắm thông tin thị trường. Tình cờ một lần đọc báo, Tuấn rơi nước mắt khi biết ông Lê Tất Dũng (49 tuổi, ngụ xã Đại An, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) thấy người dân và học sinh đi cây cầu tạm bợ qua sông Vu Gia nguy hiểm đã gom góp tiền bắc cầu phao. Do không dư dả gì, số tiền ông Dũng bỏ ra không đủ. Thế là, Tuấn tìm đến hỗ trợ 40 triệu đồng. “Hôm dự lễ khánh thành, bà con thôn xóm mừng mà mình rơi nước mắt. Em về bàn với vợ tham gia hoạt động xã hội được bà xã đồng ý hai tay. Hiện hoàn cảnh khó khăn, học sinh nghèo không đủ tiền đến lớp, em tìm đến giúp đỡ”-Tuấn bộc bạch. Nhân chuyến về thăm quê vợ, Tuấn cảm kích trước việc em Phạm Thị Ni Na (ngụ xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, Quảng Nam) trúng tuyển vào Đại học Y khoa Huế nhưng không có tiền nhập học. Tuấn gác công việc gia đình tìm đến tận nhà em Na hỗ trợ 20 triệu đồng. Hiện nay, anh cũng là một trong những Mạnh Thường Quân quen thuộc của chương trình Mái ấm tình thương của tỉnh Bình Phước tặng 12 căn nhà vì người nghèo gần 500 triệu đồng.
Năm 2014, những lần về thăm quê thấy người dân ước ao nuôi bò nhưng không có vốn. Thế là, Tuấn bỏ tiền túi hơn 1,1 tỷ đồng mua 35 con bò cái sinh sản, mỗi con hơn 30 triệu đồng để tặng 35 hộ dân nghèo xã Điện Trung. Sau đó, mỗi hộ nuôi bò được 3 năm hưởng trọn bê con và luân chuyển bò sang hộ khác. Tuấn nhẩm tính: “Trung bình, vợ chồng em dành mỗi tháng khoảng 80 triệu đồng cho công tác từ thiện. Em tâm niệm, ngày xưa mình nghèo khó, bây giờ có của ăn của để nhưng cơm ngày hai bữa là đủ lắm rồi. Ba đứa con ngoan học giỏi là niềm hạnh phúc của vợ chồng em. Mình đem niềm vui đến người không may mắn trong cuộc sống để họ có nghị lực vượt lên hoàn cảnh, số phận thì quý biết dường nào”.
Câu chuyện của Tuấn là kết thúc có hậu. Khi người vượt lên hoàn cảnh, họ sẽ thông cảm với bao người cần được chia sẻ, giúp đỡ và xem như đó là bổn phận, trách nhiệm. Thật đáng trân trọng biết bao.
10-01-2020
10-01-2020
31-10-2019