Tiến sĩ "nông dân" giành giải thưởng Quả cầu vàng 2019

Là tác giả của hàng chục bài báo khoa học đăng trên các tạp chí uy tín, Trần Ngọc Tuấn là một trong 10 nhà khoa học trẻ đạt giải thưởng Quả cầu vàng năm 2019.

 

 

TS.Trần Ngọc Tuấn đang làm nghiên cứu sau tiến sĩ tại ĐH Shantou (Trung Quốc).

 

Sinh ra trong một gia đình làm nông ở huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang, anh Trần Ngọc Tuấn (SN 1984) tốt nghiệp phổ thông khi phong trào nuôi thâm canh các loài thuỷ sản bắt đầu phát triển mạnh và lan rộng ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Anh chọn thi vào chuyên ngành Bệnh học thuỷ sản của Trường ĐH Cần Thơ chỉ với suy nghĩ học ngành này ra trường sẽ không bị thất nghiệp. Nhưng càng học, anh càng thấy đây thực sự là một ngành học phù hợp với mình.

Tốt nghiệp ĐH Cần Thơ, anh học tiếp thạc sĩ chuyên ngành Nuôi trồng thuỷ sản. Trong thời gian tham gia các dự án nghiên cứu cùng các thầy ở trường, anh có cơ hội được gặp một giáo sư người Trung Quốc nổi tiếng trong ngành.

Với sự giúp đỡ của các thầy cô trong trường và người thầy người Trung Quốc mà sau này là thầy hướng dẫn tiến sĩ của anh, anh được nhận học bổng toàn phần bậc tiến sĩ tại Trường ĐH Nông nghiệp Huazhong (Trung Quốc).

Từ 2015 đến 2017, anh làm nghiên cứu sau tiến sĩ tại Viện Thủy sinh vật học, Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc. Từ đầu 2018 đến nay, anh làm nghiên cứu sau tiến sĩ tại Viện Khoa học biển, Trường ĐH Shantou (Quảng Đông, Trung Quốc). Lĩnh vực nghiên cứu hiện tại của anh là khảo sát sự đa dạng hệ vi sinh vật đường ruột và những tương tác của hệ vi sinh vật đường ruột với hệ miễn dịch của động vật thủy sản.

Trong suốt quá trình học tập và nghiên cứu, anh Tuấn là tác giả chính và đồng tác giả của 53 bài báo khoa học đã công bố trên các tạp chí khoa học.

 

'Thầy tôi từng nói 'đã làm thì phải làm cho ra ngô, ra khoai'. Tôi luôn tâm niệm câu nói đó'.

 

Anh chia sẻ, để đạt được thành quả này, trong quá trình nghiên cứu, anh phải tìm đọc rất nhiều tài liệu, bài báo liên quan đến lĩnh vực mình đang nghiên cứu, từ đó tìm ra những ý tưởng nghiên cứu cho mình.

‘Một khi ý tưởng đã hoàn thiện thì bắt tay vào việc ngay vì nếu chậm trễ có thể có người khác đang làm giống mình và đăng bài trước. Thế nên bản thân cần phải siêng năng và tích cực hơn trong suốt thời gian thực hiện các nghiên cứu. Tôi cũng tích cực tham gia các hội nghị khoa học, báo cáo hội thảo để trao đổi với những người nghiên cứu cùng lĩnh vực, nắm bắt được những xu hướng nghiên cứu mới và dự đoán những hướng nghiên cứu trong tương lai’.

Khi gặp vấn đề bế tắc, anh thường tạm dừng công việc và đặt nó sang một bên trong khoảng 1-2 ngày để có thời gian ‘làm mới lại’ bộ não.

Anh nói, người làm nghiên cứu khoa học cũng giống như vận động viên leo núi, lúc nào cũng phải nỗ lực tiến về phía trước. ‘Những thành quả khoa học của mình hiện tại chỉ đủ để mình cảm thấy hài lòng, nhưng chưa đủ để gọi là tâm đắc’.

Theo anh, một người làm khoa học cần có sự nhiệt huyết đi kèm với những nỗ lực, sáng tạo, tính hợp tác và trung thực.

‘Từ thời còn đi học thạc sĩ, lúc mình làm đề tài tốt nghiệp, thầy mình - PGS.TS. Phạm Minh Đức đã nói với mình một câu: ‘Thà mình không làm, nếu làm thì phải làm cho ra ngô, ra khoai’. Câu nói đó gần như là hành trang cho mình trong suốt những năm sau này. Khi làm việc gì mình cũng làm thật tỉ mỉ, có trách nhiệm và cố gắng hoàn thành nó một cách trọn vẹn nhất có thể’.

Khi sang Trung Quốc học tiến sĩ và nghiên cứu sau tiến sĩ, rào cản lớn nhất với anh Tuấn là ngôn ngữ. Lúc ấy, ngoài việc tham gia các lớp học tiếng, anh chủ động kết bạn với người bản xứ để luyện tập giao tiếp hằng ngày cũng như làm quen với các thuật ngữ chuyên môn.

Trong thời gian làm nghiên cứu sau tiến sĩ, anh chuyển sang nghiên cứu chuyên sâu về hệ vi sinh vật đường ruột trên cá, mặc dù trước đây anh cũng nghiên cứu về vi sinh vật nhưng lại là vi sinh vật gây bệnh. Vì thế, trong thời gian này, những hiểu biết cơ bản về hệ vi sinh vật đường ruột trên nhiều loài động vật thủy sản của anh vẫn còn nhiều hạn chế.

‘Để nắm bắt được xu thế nghiên cứu mới cũng như tạo nền tảng cho hướng phát triển mới, mình phải tham khảo những kết quả nghiên cứu trước đây trên nhiều loài động vật khác, trong đó có những nghiên cứu từ động vật trên cạn và con người’.

Anh Tuấn chia sẻ, sinh ra trong gia đình làm nông nên ngày nhỏ, khái niệm ‘nghiên cứu khoa học’ với anh rất xa vời. ‘Khi lên đại học, mình mới bắt đầu tiếp xúc và tìm hiểu về nghiên cứu khoa học. Chính các thầy cô là người đã truyền cảm hứng cho mình theo đuổi con đường này cho đến bây giờ’.

‘Còn nếu không làm khoa học, chắc mình sẽ quay về làm ‘người nông dân’' - anh nói. ‘Sau khi tốt nghiệp đại học, mình từng hợp tác cùng vài người bạn thân mở một trang trại sản xuất giống tôm càng xanh trong khoảng vài năm’.

Khi được hỏi về những thú vui ngoài công việc, anh Tuấn bảo rằng từ khi đi làm, anh chủ yếu dành thời gian cho công việc và gia đình. Cuộc sống bận rộn khiến các sở thích cá nhân như nghe nhạc hay tập gym đã ít dần đi.

‘Trong thời gian còn học tiến sĩ ở trường, mình từng đại diện cho nhóm sinh viên Việt Nam tham gia cuộc thi ngâm thơ và may mắn đạt giải xuất sắc. Năm đó mình và bà xã cùng tham gia trong đội nên đó cũng là một kỷ niệm đẹp của tụi mình’.

 

Anh Tuấn và gia đình mình.

 

 

   Có thể bạn quan tâm
  • Chi nhánh HCM
  • Chi Nhánh Đà Nẵng
  • Chi Nhánh Quãng Ngãi
  • Chi nhánh Phan Thiết
Gọi đặt tiệc
facebook